Đăng bởi 1 phản hồi

Cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy – Baby Led Weaning (BLW)

Ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy là gì và liệu rằng đây có phải là phương pháp đúng đắn để con làm quen với thức ăn thô?

Ăn dặm theo phương pháp Baby Led Weaning – bé tự chỉ huy ngày càng phổ biến, được nhiều bậc cha mẹ chọn lựa để cho bé làm quen và tập ăn thức ăn thô. Trong khi nhiều cha mẹ chọn phương pháp cho trẻ ăn thức ăn nghiền nhuyễn, một số bố mẹ chọn cách “vượt cấp” –  cho trẻ ăn thức ăn thô ngay từ đầu giai đoạn ăn dặm của trẻ.

Thay vì cho trẻ ăn dặm bằng thức ăn dưới dạng súp đặc, để trẻ ăn thức ăn thô ngay từ đầu – đó chính là phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy – Baby Led Weaning (BLW).

ăn dặm tự chỉ huy

Vậy khi nào có thể áp dụng phương pháp này với trẻ?

Khi đủ 6 tháng tuổi trở lên, khi đó, trẻ đã có thể ngồi vững mà không cần sự giúp đỡ của bố mẹ, không còn phản xạ đẩy lưỡi, biết nắm giữ thức ăn, đó chính là lúc bố mẹ có thể cân nhắc việc áp dụng phương pháp BLW để tập cho trẻ làm quen với thức ăn thô. Bố mẹ có thể tìm hiểu những loại thức ăn được coi là khởi đầu hoàn hảo để trẻ tập ăn dặm theo phương pháp này, được thể hiện trong biểu đồ thực phẩm cho trẻ từ 4-6 tháng tuổi và từ 6-8 tháng tuổi.

Vậy chính xác phương pháp BLW là gì?

Vậy chính xác phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy – Baby Led Weaning là gì? Nói một cách chung nhất, phương pháp BLW có nghĩa là không cho trẻ ăn thức ăn dưới dạng súp đặc, đồng thời bố mẹ sẽ không dùng thìa để đút thức ăn cho trẻ.

Bố mẹ sẽ chuẩn bị những loại thức ăn mềm (phù hợp với độ tuổi của bé), được cắt ra thành từng phần nhỏ để bé dễ dàng “xử lý”. Bố mẹ có thể cho bé miếng táo to một chút để bé có thể cầm và “nhấm nháp” dễ dàng, hoặc chuẩn bị một bát táo đã được nấu mềm. Sau đó, bố mẹ có thể để bé tự “khám phá” thức ăn,  không cố gắng đút từng thìa cho bé. Theo phương pháp này, công việc của bố mẹ sẽ là chế biến, cắt nhỏ thức ăn giúp bé mà thôi, còn bé sẽ là người “giải quyết” phần còn lại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bố mẹ luôn phải chú ý xem bé đang ăn gì và tuyệt đối không giúp bé bằng cách đút cho bé thức ăn.

Bên cạnh việc bú sữa mẹ theo nhu cầu của trẻ, phương pháp BLW để trẻ tự mình quyết định trẻ sẽ ăn món gì, ăn khi nào và ăn bao nhiêu. Tuy vẫn có sự hỗ trợ từ bố mẹ, nhưng nhìn chung, phương pháp BLW cho phép trẻ tự mình đưa ra tất cả các quyết định về thức ăn.

Với phương pháp này, có phải bố mẹ chỉ cần đưa cho trẻ thức ăn và sau đó để trẻ tự lo liệu?

Rất nhiều bố mẹ khi nghiên cứu phương pháp BLW hiểu nhầm rằng “bé tự chỉ huy” có nghĩa là trẻ sẽ tự chọn, tự ăn mà hoàn toàn không có sự can thiệp, sự hỗ trợ nào từ bố mẹ. Đây là một hiểu lầm khá phổ biến. Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bậc cha mẹ với nội dung “Làm sao bé có thể ăn được khi bố mẹ chỉ đưa thức ăn mà không giúp bé hay đút cho bé ăn chứ?”

Phương pháp BLW khuyến khích bé tự chỉ huy, tuy nhiên bố mẹ cũng cần phải hiểu rằng trẻ cần sự hướng dẫn, sự giúp đỡ từ bố mẹ để trẻ có thể vượt qua giai đoạn này. Sẽ đơn giản hơn khi bố mẹ coi phương pháp BLW là việc cho trẻ tập làm quen với thức ăn thô và tập trung quan sát những dấu hiệu của trẻ, chứ không phải việc cố gắng lập thời gian biểu ăn uống và quy định khẩu phần ăn cho trẻ. Bố mẹ hãy quan sát trẻ khi trẻ “chơi” với thức ăn và nếu cần thiết, hãy hướng dẫn trẻ cách đưa thức ăn vào miệng (chứ không phải đút thức ăn vào miệng trẻ).

Bố mẹ sẽ không dùng thìa đút thức ăn cho bé, thay vào đó trẻ sẽ tự ăn (có thể trẻ sẽ chỉ bốc, ném thức ăn đi mà thôi!). Khi đến lúc tập cho trẻ làm quen với thức ăn thô, bố mẹ cần cảm thấy thoải mái với phương pháp và các loại thực phẩm được dùng cho trẻ trong giai đoạn này.

Theo bài viết “Trẻ ăn bao nhiêu là đủ?”, “bố mẹ có thể quan sát những dấu hiệu của trẻ để biết trẻ đã ăn đủ hay chưa”. Phần lớn những trẻ khỏe mạnh chỉ ăn đủ lượng thức ăn trẻ cần mà thôi. Nhiều bố mẹ sử dụng phương pháp BLW tin rằng những trẻ tự ăn sớm có khả năng kiểm soát nhu cầu của cơ thể tốt hơn.

Liệu trẻ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết nếu bố mẹ để trẻ tự ăn?

Chuẩn bị cho trẻ một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp trẻ ăn đúng (loại thức ăn) và đủ (dinh dưỡng cần thiết). Bố mẹ cần chú ý những biểu hiện của trẻ bởi việc ăn uống của trẻ có thể thay đổi từng ngày và có thể chịu sự ảnh hưởng từ các yếu tố xung quanh. Hẳn không có bố mẹ nào muốn vô tình “đánh cắp” khả năng tự điều chỉnh việc ăn uống của trẻ bằng việc cố gắng ép và đút cho trẻ ăn. Khi theo phương pháp này, cũng giống như chúng ta đã đề cập ở trên, bố mẹ cần chú ý những dấu hiệu, những thay đổi ở trẻ để biết được trẻ có được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hay không.

Có nguy hiểm không khi thay vì thức ăn dạng súp đặc, bố mẹ cho trẻ bắt đầu ăn dặm với thức ăn thô?

Câu trả lời là cả có và không. Nếu trẻ đã được 6 tháng tuổi trở lên, lúc này có thể trẻ đã sẵn sàng để bắt đầu luôn với thức ăn thô rồi đấy. Mặt khác, nếu trẻ mới từ 4-6 tháng tuổi, có khả năng cao trẻ sẽ không thể tự mình “xử lý” được thức ăn ở dạng này. Bố mẹ cũng nên chú ý khi chế biến thức ăn cho bé, không nên cắt thức ăn thành các hình dạng dễ khiến bé bị hóc.

Bố mẹ cũng cần nhớ rằng các bé rất khác nhau, mỗi bé sẽ chọn thức ăn, cắn, nhai thức ăn theo cách riêng của mình. Để có thêm thông tin về thức ăn thô và hướng dẫn cho bé ăn dặm, bố mẹ có thể tham khảo thêm bài viết “Sẵn sàng cho thức ăn thô”.

Liệu phương pháp BLW có phù hợp với con của bạn?

Chỉ bố mẹ mới quyết định được liệu phương pháp BLW có phù hợp với con của mình hay không. Tuy nhiên, bố mẹ không nên áp dụng phương pháp này với các bé chậm phát triển, bởi có thể phương pháp này sẽ làm trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng thêm. Bố mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp ăn dặm này với bé, đồng thời có thể tìm thêm những thông tin hữu ích khác.

Chúng tôi nhận được một vài email thắc mắc tại sao website của chúng tôi đưa ra những công thức thức ăn nghiền nhuyễn cho trẻ, tại sao chúng tôi lại khuyến khích việc cho trẻ ăn thức ăn dưới dạng súp đặc, bởi họ cho rằng để trẻ ăn súp đặc như vậy là rất nguy hiểm. Đồng ý rằng, BLW là một lựa chọn tuyệt vời để cho trẻ làm quen với thức ăn thô. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ đang sử dụng phương pháp này cũng cho rằng, dù không để bé ăn dặm theo phương pháp BLW đi chăng nữa, “tác hại” chỉ là bé không học được cách ăn thức ăn “thực” mà thôi.

Thức ăn thực là thức ăn được chế biến từ những nguyên liệu sạch trong bếp, có thể ở dạng súp đặc hoặc không, và được bảo quản cẩn thận. Những bát súp đặc mà mẹ chuẩn bị cho bé tại nhà cũng là thức ăn thực, tương tự như thức ăn được cắt thành từng khoanh, từng miếng nhỏ. Điều đáng quan tâm nhất ở đây là có thông tin cho rằng nếu bố mẹ duy trì việc cho bé ăn thức ăn dưới dạng súp đặc, bé sẽ dễ bị ốm, không học được cách nhai thức ăn, bị táo bón , và có thể phải đối mặt với nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, nhiều giờ tìm kiếm các nguồn thông tin y tế như AAP, WHO và UNICEF, chưa có một nghiên cứu hay kết luận khoa học chắc chắn nào chỉ ra rằng thức ăn nghiền nhuyễn là có hại với trẻ, làm trẻ hay ốm vặt và gây ra các biến chứng khác.

Cuối cùng, liên quan đến vấn đề tập cho trẻ ăn dặm, bố mẹ nên chia sẻ với các bác sĩ nhi khoa để có những chỉ dẫn thích hợp. Đồng thời, nên thảo luận cụ thể với bác sĩ về các loại thức ăn có thể gây dị ứng cho bé trong giai đoạn này.

(TutiMart biên dịch và hiệu đính)

1 bình luận trong “Cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy – Baby Led Weaning (BLW)

  1. Mình mới cho bé nhà mình tiếp cận cái này
    lúc đầu cũng lo lắng nhiều thứ, nhưng thấy bé có vẻ rất thích thú khi đc cầm đồ ăn chơi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *